Tại những khu vườn rộng lớn ở phường Điện Nam Trung rộ một màu vàng rực rỡ của sắc mai xuân, tạo nét đẹp nên thơ cho làng quê. Đối với người trồng mai ở khối phố Quảng Lăng 3, Quảng Lăng 4, họ phấn khởi đón khách đến mua mai và thuê mai xuân. Dù thời tiết cuối năm chuyển biến cực đoan, song nhìn chung, đây là năm thuận trời đối với cây mai khiến người trồng cảm thấy ấm áp vì có thu nhập cao. Qua lời các bạn yêu mai, tôi vào thăm vườn mai của ông Đoàn Văn Dũng (khối phố Quảng Lăng 4) - người có thâm niên trồng mai hơn 20 năm. Để sở hữu vườn mai khủng như ngày nay, ông Dũng đã dồn biết bao công sức, tâm lực. “Nghề trồng mai, chăm mai phải thực sự có đam mê mới làm được. Tôi đã dành mấy chục năm để trồng, chăm sóc, nhìn thấy cây lớn lên mỗi ngày, sung sướng ngắm nhìn những lứa hoa nở đẹp mỗi năm. Nhiều cây mai đã được uốn, tạo dáng ngay từ nhỏ, khâu chăm sóc vô cùng cực nhọc” - ông Dũng tâm sự.

So với mọi năm, vườn mai của ông Dũng năm nay được bạn nghề đánh giá cao về cây mai khỏe, nhiều nụ, chuẩn cho người chơi mai. Để phục vụ cho thú vui tao nhã của những người chơi mai, đòi hỏi người trồng mai, chăm mai phải yêu mai, hiểu được đặc tính của cây mai và phải có kỹ thuật chăm sóc. Nếu không nắm được kỹ thuật chăm sóc, không lặt lá cho mai phù hợp thì cây mai thường nở trước Tết Nguyên đán. Đã có rất nhiều người trồng mai, mua mai về chăm, nhưng do không nắm vững kỹ thuật, chăm mai vất vả cả năm, nhưng đến ngày Tết, chẳng có cây mai nào chưng vì mai nở trước Tết. Ngay cả việc nụ mai sẵn sàng nghênh xuân, nhưng nếu sơ suất để những đàn chim sẻ rỉa nụ mai, vườn mai cũng như toi. Chính vườn mai nhà ông Dũng có năm sau khi lặt lá mai, nụ rất đẹp, nhưng đàn chim sẻ rỉa hư hết, không có mai trưng bày và phục vụ nhu cầu mai Tết của khách hàng.
Rời vườn mai của ông Dũng, chúng tôi đến thăm vườn mai của anh Trương Văn Trúc. Bén duyên với cây mai từ hơn 20 năm trước, nhưng ông Trúc chỉ thật sự gắn bó khoảng hơn 10 năm nay. Bên cạnh mai tự trồng, ông cũng đầu tư thời gian, tiền bạc tìm mua mai trong dân, một vài cây mai có giá lên đến gần 100 triệu đồng, thậm chí cây mai đắt nhất ông mua có giá 160 triệu đồng. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên một số cây mai bị chết; không nản, ông vẫn kiên trì niềm đam mê, phát triển vườn mai của mình. Ông Trúc chia sẻ, giá trị vườn mai chủ yếu ở thần thái, tuổi đời chứ không phải số lượng mai nhiều hay ít. Trước đây, vườn mai ông có lúc lên đến 200 chậu, nhưng ông “lọc” dần, những cây nào không đẹp ông bán rẻ chỉ giữ lại những cây "thần thái" nhất. Một vài cây trong số đó có giá lên đến 1 tỷ đồng nhưng ông không bao giờ bán mà chỉ cho khách thuê chưng trong những ngày Tết.

Mai ông Trúc không chỉ có hoa đẹp, lâu rụng mà còn giá trị ở dáng vẻ tự nhiên, khác lạ. Khách hàng của ông Trúc phần lớn là các cơ quan, doanh nghiệp khắp nơi, kể cả tại Hà Nội, Huế cũng vào vườn mai ông Trúc thuê.
Theo ông Trúc chia sẻ ngoài đầu tư cây giống, còn phải đầu tư tiền chậu, công lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc quanh năm. Tết đến, phải thuê cả chục nhân công lặt lá, tưới mai, bắt sâu nên chi phí tốn rất nhiều. Mỗi công lao động mỗi ngày tốn 200 nghìn đồng, mùa lặt lá mai, bắt sâu kéo dài cả tháng trời. Chơi mai là nghề chơi khá công phu, phải hiểu rõ đặc điểm, tính tình từng chậu mai trong vườn. Muốn cây mai khỏe mạnh, yêu cầu đầu tiên là chậu trồng phải không đọng nước. Nếu thời tiết thay đổi thất thường, ông đối phó bằng cách dùng bạt che chắn bên ngoài để giảm nắng. Trường hợp thời tiết lạnh mai ra hoa chậm ông xử lý bằng cách phủ kín giấy dầu và treo bóng đèn bên ngoài để tăng nhiệt độ mai nhanh ra hoa. Với kinh nghiệm và cách làm trên, tỷ lệ mai vườn nhà ông Trúc ra hoa đạt tỷ lệ 80%. Nhìn các vườn mai đang khoe nụ, tôi như thấy đất trời đang vào Xuân. Và tôi hy vọng, năm mới đến sẽ có nhiều điềm lành, mọi người, mọi nhà an vui và hạnh phúc.
|