Nội dung chi tiết

Kỷ niệm 140 năm ngày mất Trúc Đường Phạm Phú Thứ (1882-2022) - Quan đại thần Phạm Phú Thứ - “Sáng như Sao Băng”
Tác giả: Lương Linh .Ngày đăng: 13/04/2022 .Lượt xem: 836 lượt. [In bài]
Cụ Trúc Đường Phạm Phú Thứ - một danh thần triều Nguyễn, đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực: chính trị - kinh tế -văn hoá- xã hội - quốc phòng và đối ngoại. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ đã có những đóng góp tích cực trong lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Cụ Phạm Phú Thứ sinh năm 1821 tại làng Đông Bàn, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; mất ngày 5 tháng 2 năm 1882, thọ 61 tuổi. Cụ tên thật là Phạm Phú Hào, sau đổi thành Phạm Phú Thứ, tự là Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, Trúc Ân. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phạm Phú Thứ “sáng như sao băng”, là tấm gương chiếu rạng cho hậu thế noi theo.

Tinh thần hiếu học

Cụ Phạm Phú Thứ sinh ra trong một gia đình nho giáo nghèo nhưng có nề nếp. Với “bẩm tính thông minh, đọc sách chỉ xem qua một lần là thuộc”, nên từ lúc mười hai tuổi, cụ đã nổi tiếng ở trường huyện. 18 tuổi, cụ đỗ đầu xứ, đỗ tú tài năm 19 tuổi. Khoa Nhâm Dần - Thiệu Trị thứ 2 (1842), 21 tuổi, cụ đỗ thủ khoa cử nhân. Năm 22 tuổi, Phạm Phú Thứ đỗ thủ khoa Hội thí, đầu bảng Đệ tam giáp Tiến sĩ Ân khoa Quí Mão - Thiệu Trị 3 (1843). Do đỗ giải nguyên và Hội nguyên nên cụ là vị “Song nguyên” đầu tiên của Quảng Nam. Đặc biệt, cụ là một trong “Tứ hổ” - danh xưng mà nhân dân Điện Bàn vinh danh 4 vị nhân tài của quê nhà đỗ đầu toàn khoa thi hoặc đỗ đầu học vị Tiến sĩ. Đó là cụ Phạm Như Xương đỗ Đình nguyên Hoàng giáp; cụ Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Trần Quý Cáp đỗ Đầu bảng đệ tam giáp.


   Cụ Phạm Phú Thứ là biểu trưng của tinh thần hiếu học. Dù trong hoàn cảnh nhà nghèo, mẹ mất sớm, các đời trước của gia tộc chưa có thành tựu về việc học hành, nhưng cụ đã phấn chí vươn lên, không chỉ khai khoa cho dòng họ mà còn thể hiện năng lực đỗ cao, đỗ đầu nhiều khoa. Chính sở học này đã làm cơ sở cho cụ Phạm Phú Thứ đạt được nhiều thành tựu về sau, làm thầy dạy của vua và trổ tài kinh bang tế thế, đối nội đối ngoại.

Vị quan hết mực yêu nước, thương dân

Cụ Phạm Phú Thứ ra nhậm chức ở kinh từ năm 23 tuổi và cống hiến tâm lực cho nước cho dân đến cuối đời. Nhiệm sở của cụ thuyên chuyển khắp bắc nam, công cán Trung Quốc, đi sứ Tây phương. Cụ trải qua các chức vụ như: Hành tẩu tại Nội các với hàm Biên tu, Tri phủ Lạng Giang, Khởi cư chú ở tòa Kinh diên với hàm Thị độc, Hàn lâm viện Điển tịch, Tri phủ Tư Nghĩa, Viên ngoại lang bộ Lễ, Án sát sứ Thanh Hóa, Án sát sứ Hà Nội, Hàn lâm viện Thị độc Đại học sĩ, Tham biện Nội các Sự vụ, Thị lang, Thự Tả tham tri, sung Khâm sai đại thần, Phó sứ, Tả Tham tri bộ Lại, Thự Thượng thư bộ Hộ, Tổng đốc Hải An kiêm sung Tổng lí thương chánh đại thần, Thự Hiệp biện Đại học sĩ, Tham tri bộ Binh. Đến khi mất, cụ được vua Tự Đức truy phục thực thụ hàm Nhất phẩm với tước Vinh lộc Đại phu Trụ quốc Hiệp biện Đại học sĩ.

Hoạn lộ của cụ Phạm Phú Thứ không mấy bằng phẳng, một đời thăng trầm, trong đó 1 lần đi làm khổ sai. Tuy vậy, cụ Phạm Phú Thứ vẫn luôn tận tụy với công việc, hoàn thành trách nhiệm với tinh thần của một nhà Nho liêm khiết, một đại thần tận trung, một người có tư tưởng canh tân tiến bộ, hết lòng vì nước, vì dân.

Sử sách còn khắc ghi khoảng thời gian khi vừa đặt chân đến Hải Dương, bấy giờ vùng này lâm vào cảnh tượng điêu tàn do thiên tai và địch họa. Để kịp thời cứu nguy cho dân, cụ Phạm Phú Thứ quyết định xuất 50 vạn phương thóc của kho tỉnh để phát chẩn và vận động người giàu mở lẫm lúa của mình để cứu đói. Mặt khác, cụ tổ chức cho người khoẻ mạnh đi khai hoang, trồng cây ngắn ngày, mở thuỷ nông ở Đông Triều và Nam Sách, nhằm chống đói một cách cơ bản. Cụ còn ra lệnh nghiêm trị bọn gian thương “đục nước béo cò”, đầu cơ trục lợi.

Khi còn làm Tri phủ Tư Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cụ Phạm Phú Thứ đã tổ chức và vận động dân chúng lập được hơn năm mươi kho nghĩa thương để lo cứu tế cho dân gặp lúc hạn hán, bão lụt.

Đối với quê hương Quảng Nam, cụ Phạm cũng có đóng góp vô cùng quan trọng. Như khi hạt Quảng Nam bị đói kém, mà việc tuần phòng ở ngoài biển thì gạo cấm khá nghiêm, Cụ bèn thương lượng tạm bỏ điều cấm, hoặc quyền nghi cho thuyền chốn người Thanh, người Kinh đáp chở gạo từ phía Bắc về Quảng Nam phân tán phát mại. Cụ còn bỏ liêm bổng ra mua 1000 phương gạo gửi về chia ra phát chẩn cho dân đói ở huyện hạt, nhân đó cứu sống được nhiều người.

Năm 1859, lâm bệnh, cụ Phạm Phú Thứ xin về quê nghỉ ngơi và cải táng mộ thân sinh, nhưng cụ vẫn luôn trăn trở với công việc và tình hình đất nước. Khi trở về triều cụ đã dâng sớ xin đắp đê Câu Nhí, đào sông Ái Nghĩa đồng thời xây dựng công sự bố phòng và luyện tập quân sự ở tỉnh nhà Quảng Nam nhằm bảo vệ hải cảng Đà Nẵng.


   Đặc biệt với vùng đất Điện Bàn, cụ Phạm Phú Thứ có một đóng góp hết sức quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại quê nhà, đó là việc: “cụ cho khơi đào rất nhiều “giếng nước ở phủ Điện Bàn” nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và trồng trọt của nhân dân”. Nhờ có các giếng nước này, đã giúp cho người dân Điện Bàn có được nguồn nước ngọt để sinh hoạt và tưới tiêu cho các cánh đồng ruộng, hoa màu, thúc đẩy quá trình khai hoang, mở rộng diện tích trồng trọt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tư tưởng canh tân

Cụ Phạm Phú Thứ là một nhà nho chân chính nhưng thức thời với tư tưởng canh tân đổi mới mạnh mẽ và khát vọng đưa đất nước phát triển nhanh, nhằm giữ được độc lập trước hiểm họa xâm lược của thực dân phương Tây. Không chỉ có tư tưởng canh tân mà cụ còn là nhà canh tân thực hành.  

Đầu năm 1864, ngay sau khi đi sứ phương Tây về nước, cụ Phạm Phú Thứ khẩn thiết đề nghị vua Tự Đức tiến hành cải cách giáo dục và phát triển công nghiệp, cụ thể là: lập nhà thủy học để tu tạo thuyền bè; đào tạo quan lại có tri thức khoa học để quản lý sông biển; tổ chức phiên dịch sách nước ngoài (Anh, Pháp, Trung Hoa, Xiêm…) để phổ biến và học tập; chọn người trẻ tuổi, thông minh cho đi du học ở cả phương Đông lẫn phương Tây.

Khi làm Thượng thư Bộ Hộ (năm 1873) cụ cho đóng tàu, mở thương cảng Hải Phòng khi làm Tổng đốc Hải Dương (1874) hoặc đưa vào sử dụng cỗ “xe trâu” (máy dẫn nước do trâu kéo, theo mô hình của Ai Cập) theo nguyên lý dẫn thủy nhập điền cho nông dân ở quê nhà Quảng Nam.

 Bộ sách “Tây hành nhật ký” được cụ Phạm Phú Thứ cho khắc bản in trên gỗ là sách cổ nhất Việt Nam nói về canh tân trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Ngoài ra, cụ Phạm Phú Thứ còn dâng 11 lá sớ, và gửi khoảng 20 lá thư đến các đại thần trình bày những biện pháp cải cách cần phải gấp rút thi hành về binh bị, kinh tế, giáo dục, tiểu công nghệ... Cụ thể là năm 1867, cụ đề nghị mở cảng ngoại thương ở Quảng Yên; Năm 1868, mở trường Thủy học nghiên cứu kỹ thuật hàng hải, tuần phòng; thời gian làm Tổng đốc Hải Yên, cụ cho lập trường dạy tiếng Pháp, in những sách phổ biến khoa học kỹ thuật Tây phương vv.

Về quân sự - ngoại giao, cụ Phạm Phú Thứ nêu rõ quan điểm “muốn bảo vệ quốc gia, phải tự cường, phải có sức mạnh quân sự” và kèm theo đó là đưa ra những giải pháp cụ thể. Cụ thiết lập quan hệ giao thương với phía Pháp, đặt quan hệ ngoại giao với các nước Nam Á, chủ trương liên kết với Anh. Đặc biệt, sử dụng lí luận cựu học “đấng thánh nhân xưa có lúc như con rồng mạnh, lúc như con sâu cuộn tròn, theo đạo thịnh suy” để áp dụng vào tân thời mà để có sự ứng xử phù hợp.

Đóng góp tích cực cho văn học, văn hoá

Cụ Phạm Phú Thứ là một trong những tác gia Hán Nôm lớn của Việt Nam. Cụ đã để lại một khối lượng trước tác đồ sộ. Nội dung phong phú. Thể tài đa dạng. Tác phẩm của cụ Phạm Phú Thứ là tài liệu tham khảo rất quan trọng và có ý nghĩa để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử cận đại Việt Nam, đặc biệt là xã hội phong kiến Việt Nam thời Tự Đức. Theo nhà nghiên cứu Trương Duy Hy, cụ Phạm Phú Thứ -là vị viết nhiều sách nhất của thế kỉ XIX, phong phú về đề tài, sung mãn về nội dung trong văn học Việt Nam. Tác phẩm của cụ Phạm Phú Thứ được lưu giữ lại đến ngày nay ở ba dạng: Một là những biệt tập (cá nhân) của Phạm Phú Thứ; hai là những hợp tập với các tác giả khác; ba là những tài liệu khoa học phương Tây được Phạm Phú Thứ giới thiệu và xuất bản. Trong đó 02 bộ Giá Viên toàn tập Giá Viên biệt lục (Tây hành nhật kí) rất nổi tiếng.

Cụ Phạm Phú Thứ cũng rất quan tâm đến các di sản văn hoá. Cụ chủ xướng và tham gia vào quá trình xây dựng, trùng tu, sáng tác câu đối, văn bia cho di tích. Ví dụ khi nhiệm sở ở vùng đất Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay, cụ Phạm Phú đã làm câu đối ở đền thờ Hưng Đạo vương, miếu Hội đồng Hải Dương, đền Trung Dũng Hải Dương… ; soạn văn bia trùng tu đền thờ Trần Hưng Đạo.

Ở quê hương Điện Bàn, cụ Phạm Phú Thứ rất coi trọng việc xây dựng văn từ. Cụ từng gửi thư cho cụ Nguyễn Tường Phổ về việc làm văn chỉ, bức thư đề ngày Thanh minh năm Nhâm Tí thời Tự Đức (1852).  Cụ còn tham gia soạn văn bia trùng tu đền Tiên thánh Điện Bàn để vừa thể hiện quan niệm “muôn đời có đức Tiên thánh mà trụ trời nhờ đó được tôn lên, cõi đất nhờ đó được dựng; kỉ cương con người nhờ đó không mất. Những ai đầu đội trời chân đạp đất, ở nhà, ăn cơm, đều nghĩ rộng đến sự kính mến bậc tiên thánh”…


   Đã 140 năm cụ Phạm Phú Thứ trở về yên nghỉ tại quê nhà Quảng Nam. Lăng mộ của cụ giữa cánh đồng làng Đông Bàn luôn được khang trang, khói nhang thành kính, được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Tuy nhiên, với những đóng góp lớn lao, các giá trị sâu sắc về văn hoá lịch sử mà cụ Trúc Đường Phạm Phú Thứ đã dành trọn đời mình để cống hiến cho dân cho nước, tại Lễ kỷ niệm 140 năm ngày mất Trúc Đường Phạm Phú Thứ tại quê nhà làng Đông Bàn xã Điện Trung ngày 10/4/2022 vừa qua, Thị uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQVN thị xã Điện Bàn và Hội đồng gia tộc cũng đã đề nghị lãnh đạo các cấp các ngành quan tâm nâng cấp khu Lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ thành di tích quốc gia để tỏ lòng thành kính, tri ân với bậc hiền tài của quê hương đất nước, đồng thời giáo dục và phát huy các giá trị văn hoá của đất và người Quảng Nam.
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Điện Phương - Phát động Tháng thể thao và Ngày chạy Olympic “Vì sức khỏe toàn dân” năm 2023
Phường Điện Ngọc triển khai hưởng ứng sưu tầm hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày “Hoằng Hoá – Điện Bàn – Nghĩa nặng tình sâu”
Xã Điện Thọ tổ chức Hội trại “Sắc màu quê hương”
Điện Phương - Khai mạc giải bóng chuyền “Bông lúa vàng” lần thứ 4 năm 2023
Điện Bàn tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá”
Tượng đài Anh hùng Lão dân quân Hoằng Trường
Hội LHPN xã Điện Quang tổng kết Hội thi ảnh online “Nét đẹp áo dài” năm 2023
Xã Điện Phong tổ chức bế mạc giải bóng chuyền Nam - Nữ năm 2023
UBND xã Điện Hoà tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chuyển đổi số đồng thời ra mắt các Tổ công nghệ cộng đồng
Phường Điện An tổ chức Lễ phát động Tháng thể thao và Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân
    
1   2   3   4   5  
    
Các tin cũ hơn:
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Điện Quang tổng kết giải Bóng đá mini nữ.
Điện Bàn đạt giải Nhất toàn đoàn môn điền kinh tại Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ IX, năm 2021 -2022
“Nghìn thu rạng tiếng anh hùng sử xanh”
Khai trương sản phẩm du lịch xanh “Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú – Gò Nổi”
Điện Thọ tổ chức chương trình Giao lưu và ra mắt các Câu lạc bộ ‘Thể dục nhịp điệu”
Đoàn phường Vĩnh Điện tổ chức giải Bóng đá Tứ hùng chào mừng thành công Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Vĩnh Điện lần thứ XII
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Điện Quang khai mạc Giải bóng đá mini nữ.
Phường Điện Ngọc tổ chức giao lưu cờ tướng giữa người cao tuổi các xã, phường.
Phường Điện Nam Bắc tổ chức giải bóng chuyền nữ
Hội thi “Phụ nữ Điện Bàn tự tin thanh lịch” năm 2022
    
1   2   3   4   5  
    
















Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập
Lượt trong năm