Võ Sử, Một tấm gương lẫm liệt
Tác giả: Hà Sáu .Ngày đăng: 29/07/2021 .Lượt xem: 611 lượt.
Anh Võ Sử, sinh năm 1950, là người con thứ hai của ông Võ Kinh, xóm trên thôn Phong Ngũ, xã Điện Thắng, nay là xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn, Quảng Nam. Được đồng chí Hà Huề (1) giác ngộ cách mạng, thoát ly vào đội du kích tập trung của xã tháng Ba năm 1968. Trong một trận chiến không cân sức khi vượt sông vào làng để hoạt động, anh đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh trên mảnh đất quê nhà. Một tấm gương lẫm liệt của anh du kích vừa 19 tuổi đã để lại ấn tượng đầy xúc động cho tuổi trẻ đời sau học tập noi theo.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tình hình của xã Điện Thắng rất căng thẳng, ác liệt, địch ào ạt mở các cuộc hành quân càn quét nhằm “bình định” lấn chiếm đất đai, tiêu diệt cơ sở cách mạng. Chúng tăng thêm quân, đóng đồn bót trong xã. Đồng thời, tăng cường tổ chức lại bộ máy cảnh sát, tề ngụy, điệp vụ… điên cuồng chống phá, ngày đêm lùng sục, truy tìm cán bộ, đảng viên. Ngoài những đồn bót, chốt điểm trước đây, nay địch đóng thêm một số đồn bót ở các địa điểm khác như nhà Hoàng Thanh Quýt, nhà Lút An Tự, nhà Hương Xuân Phong Lục Đông… đưa tổng số cứ điểm địch trên địa bàn xã Điện Thắng lên đến 23 đồn bót, chốt điểm các loại.

Tháng 8 năm 1968, hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra của địch cơ bản đã thiết lập xong, nối dài Đông-Tây từ Điện Nam lên tới Điện Tiến, dồn dân vào phía trong hàng rào để kiểm soát, không cho cán bộ du kích nằm vùng hoạt động trong dân. Tại Phong Ngũ, nó nối từ Bắc cống Giếng Trời lên đồn Ban Gia đến Phong Lục…Hàng rào gồm hệ thống kẽm gai nhiều tầng, nhiều lớp xen kẽ với bãi mìn dày đặc. Trong các lớp kẽm gai, địch bố trí hệ thống máy tự động thu tiếng động và phát tín hiệu định hướng cho địch phản pháo khi ta tập kích vượt phòng tuyến.


LS Võ Sử ( 1950-1969)

Trước tình thế đó ngay đầu năm 1969, Đảng bộ Điện Thắng xác định dù khó khăn đến đâu, cán bộ, đảng viên và quần chúng phải quyết tâm giữ vững tinh thần khắc phục khó khăn, tạo thế xây dựng phong trào và đưa phong trào phát triển, đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh chính trị giữa lúc lực lượng quân sự của địch còn khá mạnh.

                Cán bộ nằm vùng và du kích phải bám dân, thôn nào phải về thôn đó gầy dựng cơ sở cùng với quần chúng nhân dân tổ chức các phong trào. Trong khi đó dọc tuyến bờ rào Đông-Tây, địch bố trí nhiều đồn bót từ đồn Kiểm Lu, đến đồn Ban Gia, Điện An. Tại Phong Lục Đông có đồn vườn Hương Xuân do một đại đội lính trung đoàn 51 ngụy đóng.  Ban ngày truy lùng, ban đêm đại bác bắn cầm canh, pháo sáng như ban ngày, con vật nhỏ cũng không thể lọt qua. Như vậy muốn về Phong Ngũ phải đi ban đêm, từ căn cứ Hương Biều (Nam Phong Lục) xuống An Tự, xuống Thanh Quýt trên đến chợ Vải (cũ) lội qua sông bến Quý mới vào làng.

          Một cái đêm kinh hoàng mà tôi không thể nào quên, đó là đêm 19 tháng 5 năm 1969. Vào đầu tháng tư Âm lịch nên trời tối như bưng, ngửa bàn tay không thấy. Lợi dụng tối trời, đội du kích của thôn Phong Ngũ tầm 8 giờ đêm mới tập kích ở bên kia bờ sông, cởi áo quần lội bơi qua sông vào làng.

          Dường như có điệp báo, trước đó khoảng nửa tiếng lính trung đoàn 51 từ đồn Hương Xuân Phong Lục hành quân tức tốc xuống Phong Ngũ rồi gài mìn phục sẵn trên bờ nơi các anh du kích sắp vượt qua. Hôm đó trời tối, quan sát không thấy động tỉnh, anh em cởi áo quần lội bơi qua sông, khi đến gần bờ, vũ khí, trang bị va đập vào nước phát ra tiếng động. Lúc nầy anh Võ Sử lên trước đang mặt quần áo, địch phát hiện bấm mìn và đồng loạt nổ súng. Anh Võ Châu và một số đồng chí khác tấp bờ phía trên chạy thoát. Anh Võ Sử bị thương nằm tại chỗ, chúng ré la uy hiếp, bắn pháo sáng rực trời xúm lại hòng bắt sống anh. Mặc dầu bị thương quá nặng nhưng anh quyết không để sa vào tay giặc, chờ bọn địch xúm lại đông, anh lấy hết sức bình sinh cầm hai tay hai quả lựu đạn, tháo chốt bung cần tung ra gây tiếng nổ vang chát chúa “ầm……ầm….”, địch chết 2 tên và bị thương 4 tên. Đồng chí Võ Châu chạy về nhà báo anh Sử đã hy sinh.

          Sáng hôm sau tôi cùng mọi người chạy ra đầu bến Quý (2), nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng, khủng khiếp, một trận chiến tơi tả máu thịt còn đỏ tươi. Cây cối, tre trảy oằn mình gãy đổ ngổn ngang. Một cảnh tượng quá đau lòng ray rứt như kim châm đến tận cùng xương tủy. Thi thể của anh Võ Sử nát vụn, thịt, xương ven ra rơi từng mảnh, còn lại chưa đầy nửa phần thân treo vướng trên bụi tre. Bà con dân làng đều xót xa, ngậm ngùi, khóc chẳng nên lời. Họ run rẫy cùng với gia đình gom nhặt từng mảnh thịt, nắm xương của anh nằm rơi vãi trên mảnh đất làng quê để đưa về nhà lo việc mai táng.

          Anh Võ Sữ, người du kích gan dạ của làng Phong Ngũ, Điện Thắng đã anh dũng hy sinh khi khi mới vừa 19 tuổi, đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ đêm 19 tháng 5 năm 1969. Một tấm gương dũng cảm lẫm liệt làm lay động lòng người của toàn dân quê nhà Phong Ngũ. Đã 52 năm trôi qua nhưng cảnh tượng hãi hùng đó vẫn như in trong tâm khảm của tôi và dân làng.

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021), tôi viết bài nầy để mọi người ghi nhớ trường hợp hy sinh đầy đau thương của người thanh niên vừa 19 tuổi tại mảnh đất Phong Ngũ quê nhà. Sự nghiệt ngả của chiến tranh cứ làm cay trên đôi mắt khi nhớ về một thời khói lửa sao cứ mãi khôn nguôi. Xin ngàn đời ghi nhớ anh và các liệt sỹ đã đem máu đào tô thắm niềm vinh quang cho tổ quốc hôm nay.